Toàn văn bài tham luận tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ
10:40 - 30/12/2022
(Quỹ HTND)- Quỹ HTND trân trọng giới thiệu tới các đồng chí bài tham luận của đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng chí Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN phát biểu tại Hội nghị

Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được Chính phủ ban hành cùng sự ra đời của NHCSXH cách đây 20 năm đã hình thành một kênh tín dụng an toàn, hữu hiệu, thuận lợi, nhanh chóng dành riêng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển theo hướng ổn định, bền vững, chất lượng tín dụng không ngừng nâng lên, đa dạng hoá các chương trình tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện giúp những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội được vay vốn, giải quyết những khó khăn, bất cập về vốn góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.


1. Kết quả thực hiện hoạt động ủy thác cho vay
Trong quá trình hình thành và phát triển bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành địa phương, còn có sự nỗ lực cố gắng, tham gia phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) từ Trung ương đến cơ sở. Điều 5, Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ quy định “Việc cho vay của Ngân hàng CSXH được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay”, NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác qua đó đã xây dựng một phương thức quản lý, tổ chức cho vay vốn rất đặc thù bảo đảm khai thác tích cực điểm mạnh thể chế, cấu trúc chính trị của Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo. Nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách ngày 22/11/2014, vai trò trách nhiệm giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện chính sách tín dụng ngày càng được phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các đối tượng chính sách để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.


Hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và NHCSXH bắt đầu từ khi triển khai ký kết Văn bản Liên tịch 235/VBLT ngày 15/4/2003, qua nhiều lần thay thế và đến nay là Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT ngày 28/12/2021 về việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong quá trình tổ chức thực hiện công việc ủy thác, các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về hoạt động tín dụng chính sách; ban hành hằng nghìn văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; trực tiếp và phối hợp với NHCSXH tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, tập huấn hằng năm; xây dựng hằng trăm nghìn tin bài, phóng sự tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội... Đến 30/11/2022 các cấp Hội Nông dân đang quản lý 51.637/168.624 Tổ TK&VV, với dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 83.397 tỷ đồng cho 1.973.120 tổ viên đang còn dư nợ, chiếm 30,1% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%/tổng dư nợ ủy thác của Hội. Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV do Hội quản lý ngày càng được nâng cao, có gần 50 nghìn Tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 96,1%). Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho gần 12 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.


Kết quả trên khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa NHCSXH và các cấp Hội Nông dân ngay từ những ngày đầu tham gia công tác ủy thác. Phát huy điểm mạnh của một bên là Ngân hàng - tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn vay theo quy định và một bên là mạng lưới tổ chức Hội Nông dân trải rộng từ Trung ương đến cơ sở và tại các chi, tổ Hội Nông dân ở các thôn, ấp, bản, làng… cùng hàng chục nghìn cán bộ Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động; kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác; đào tạo, tập huấn và các hoạt động phối hợp thực hiện cùng NHCSXH) đã và đang là cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch góp phần giúp cho hội viên nông dân nói riêng và các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhiều cơ hội tiếp cận vốn chính sách tín dụng. Đặc biệt đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, nắm bắt thị trường. Các cấp Hội Nông dân qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ Hội Nông dân; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.


2. Một số bài học kinh nghiệm
Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các đoàn thể chính trị- xã hội nói chung, Hội Nông dân Việt Nam nói riêng ngày càng phát huy được hiệu quả; chính sách tín dụng đã đi vào đời sống của từng người dân Việt Nam góp phần tạo điều kiện cho NHCSXH và Hội Nông dân Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. Từ những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, Hội Nông dân Việt Nam xin rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:


Một là, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng phương thức ủy thác mà Ngân hàng CSXH và các tổ chức đoàn thể đang thực hiện, tiếp tục khẳng định cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị, kinh tế, xã hội đất nước.


Hai là, công tác tuyên truyền hết sức quan trọng giúp người vay hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của bản thân từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, giảm tỷ lệ rủi ro; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội của địa phương.


Ba là, xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ, cụ thể giữa Hội Nông dân và NHCSXH. Mạng lưới Tổ TK&VV có vai trò quan trọng là nơi bình xét, giám sát, đôn đốc trả nợ, thực hành tiết kiệm của tổ viên, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của hộ vay do đó chất lượng Tổ TK&VV là yếu tố quyết định chất lượng tín dụng trên địa bàn; bố trí cán bộ làm công tác ủy thác có tính ổn định, lâu dài, đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thực hiện hoạt động ủy thác ở các cấp Hội.


Bốn là, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và NHCSXH cùng cấp trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm để gắn kết giữa việc cho vay vốn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện chương trình, nghị quyết của Hội.


Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của Hội cấp trên đối với cấp dưới, đối với Tổ TK&VV, người vay vốn. Coi trọng công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Hội và cán bộ Ban quản lý Tổ TK&VV. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết theo định kỳ.


3. Một số đề xuất, kiến nghị
- Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.


- NHCSXH cần tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với các nộ, ngành liên quan chỉnh sửa, bổ sung, ban hành hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển nguồn vốn ổn định, bền vững giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số lượng, mức vay lớn hơn, thời gian dài hơn; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoạt động nghiệp vụ nhằm đưa các dịch vụ phù hợp, thuận tiện đến với khách hàng. 


- Đối với các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc thực hiện tốt các nội dung ủy thác, khắc phục vấn đề còn tồn tại, yếu kém. Lồng ghép có hiệu quả giữa tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án, các hoạt động, phong trào do các cấp Hội đoàn thể phát động hằng năm. Phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ người vay về kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.


- Tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; sơ, tổng kết hoạt động thực tiễn để có sự tổng hợp, đánh giá đúng thực trạng của đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo sự phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có những tham mưu, đề xuất Chính phủ, Đảng, Quốc hội ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời.
 

Anh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường